CA-IN ĐÃ KẾT HÔN VỚI AI?
Tác giả: Eva Mroczek
Phiên dịch: Bùi Kim Thanh
Sáng-thế Ký cho chúng ta biết rằng A-đam và Ê-va có hai người con trai, Ca-in và A-bên. Sau khi Ca-in giết A-bên và đi định cư ở vùng đất Nod, Sáng-thế Ký 4:17 chép “Đoạn, Ca-in ăn ở cùng vợ mình, nàng thọ thai và sanh được Hê-nóc.” Nhưng vợ Ca-in xuất xứ từ đâu?
Vì Kinh Thánh chỉ đề cập đến A-đam, Ê-va và các con trai của họ, sự xuất hiện bất ngờ của vợ Ca-in đã gây bức xúc cho độc giả từ thời cổ đại cho đến ngày nay. Câu hỏi này thậm chí đã được nêu lên trong phiên tòa Scopes năm 1925: Chất vấn tính chất lịch sử của Kinh Thánh, Clarence Darrow thách thức đối thủ của mình là William Jennings Bryan, “Ông đã khám phá ra Ca-in lấy vợ từ đâu không?” Các độc giả bảo thủ dùng Sáng-thế Ký 5: 4 để trả lời cho câu hỏi này, “A-đam có những người con trai và con gái khác.” Điều này cũng hàm ý rằng vợ của Ca-in là em gái của ông ta (hoặc có lẽ là cháu gái) và trong thời đại sơ khai của nhân loại, hôn nhân giữa anh chị em ruột thịt là cần thiết và an toàn về tính chất di truyền.
Những gián đoạn, điển hình trong trường hợp vợ của Ca-in, trong những câu chuyện của Kinh Thánh chỉ đòi hỏi câu trả lời thích đáng nếu chúng ta hiểu tính chất “lịch sử” của Kinh Thánh theo ý nghĩa của từ “lịch sử” ngày nay. Những vấn đề nêu trên đã không gây rắc rối cho các trước giả của Kinh Thánh, nguyên nhân vì họ đang sáng tác một thể loại văn học khác. Câu chuyện về A-đam, Ê-va và các con cái của họ là một truyền thuyết về nguồn gốc của nhân loại, không phải là một lịch sử biên niên. Cũng như một số phân đoạn trong các chương đầu của Sáng-thế Ký khởi đầu được lưu truyền một cách riêng rẽ, có thể bằng dạng truyền khẩu, trước khi các phân đoạn này được biên soạn thành một câu chuyện liên tục.
Tuy nhiên, không chỉ có những độc giả hiện đại là những người cố gắng điền vào những chổ trống trong Sáng-thế Ký, một số nhà văn Do Thái cổ đại phóng tác lại câu chuyện A-đam và Ê-va và cộng thêm chi tiết là hai người này đã có con gái rất sớm, và thậm chí còn đặt tên cho con gái của họ. Cuốn sách của Jubilees, một phóng tác dựa theo Sáng-thế Ký ở thế kỷ thứ hai T.C.N., chép lại rằng con gái của Ê-va có tên là A-wan; và tác giả của Pseudo-Philo vào thế kỷ thứ nhất C.N. đề cập đến một cô con gái của E-va có tên là Nô-a-ba. Việc đặt tên cho các nhân vật nữ vô danh trong các bản văn Kinh Thánh là thông lệ của các nhà văn Do Thái cổ đại. Sau này, Do Thái giáo và Cơ-đốc giáo của những thế kỷ đầu tiên sau Công Nguyên giải thích vấn đề này một cách chi tiết hơn. Một số độc giả cổ đại đã suy đoán rằng Ca-in và A-bên đã có nhiều sự cạnh tranh khác ngoài sự kiện Chúa chọn của lễ của A-bên trong Sáng-thế Ký 4: 4. Các độc giả cổ đại này suy đoán rằng Ca-in và A-bên đánh nhau vì một người phụ nữ, em/chị gái của họ, đưa đến việc giết người đầu tiên.
Các nguồn tài liệu Do Thái, Cơ-đốc giáo và Hồi giáo đều truyền tải một số phiên bản của mô típ này, nhưng rất khác nhau về chi tiết. Một số nguồn tài liệu cổ xưa, ví dụ, nói rằng Ca-in và A-bên mỗi người có một người em gái sinh đôi và hai người đã đánh nhau để tranh cưới người em gái đẹp nhất; có những nguồn tài liệu khác chép rằng A-bên có hai người em gái nhưng Ca-in chỉ có một. Midrash đưa mô típ này đi xa hơn, nói rằng Ca-in và A-bên đã tranh nhau ba điều: làm thế nào để phân chia đất đai tài sản, đền thờ sẽ được xây dựng trong đất đai của ai, và ai sẽ kết hôn với người em gái sinh đôi với A-bên (Genesis Rabbah XXII.VII).
Những diễn giải có tính chất sáng kiến này có từ hàng trăm năm sau khi Sáng-thế Ký được viết ra. Tuy rằng các lời diễn giải này không bày tỏ những điều gì mà các nhà viết kinh văn đầu tiên đã suy nghĩ, hoặc về những điều gì thực sự đã xảy ra ban đầu trong lịch sử loài người, nhưng, những lời diễn giải này cho thấy các văn bản Kinh Thánh tiếp tục sống trong tay những người phiên dịch: những kẽ hở và nín lặng của Kinh Thánh trở thành mảnh đất màu mỡ cho những truyền thống mới.
Bibliography
- Leith, Mary Joan Winn. “Biblical Views: Who Did Cain Marry?” Biblical Archaeology Review 39, no. 6 (Nov/Dec 2013.
- Byron, John. Cain and Abel in Text and Tradition: Jewish and Christian Interpretations of the First Sibling Rivalry. Leiden: Brill, 2011.
- Luttikhuizen, Gerard P., ed. Eve’s Children: The Biblical Stories Retold and Interpreted in Jewish and Christian Traditions. Leiden: Brill, 2003.
- Ginzberg, Louis. Legends of the Jews. Translated by Henrietta Szold and Paul Radin. 2nd edition. Philadelphia: Jewish Publication Society, 2003. See especially pp. 104–6.
- Kugel, James L. Traditions of the Bible: A Guide to the Bible as It Was at the Start of the Common Era. Cambridge: Harvard University Press, 1998. See especially pp. 165, 169.