Các Dụ Ngôn của Giê-su
Tác giả: Klyne Snodgrass
Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam
Các dụ ngôn của Giê-su (hoặc của bất kỳ tôn giáo nào khác) là một trong những phương tiện giáo huấn có ảnh hưởng, được yêu thích, và lôi cuốn nhất. Khoảng một phần ba giáo huấn của Giê-su trong các sách Tin Lành Cộng Quan được trình bày trong hình thức dụ ngôn; các dụ ngôn này là phương cách chính mà Giê-su dùng để dạy về vương quốc của Đức Chúa Trời. Ngài đã sử dụng các dụ ngôn để khuyến khích và kích động người nghe, khiến họ phải suy nghỉ và vâng lời Chúa.
Các dụ ngôn của Giê-su là những công cụ tiên tri nhằm hướng dẫn và đối chất với con dân của Ngài như các tiên tri trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ đã làm trước Ngài. Các dụ ngôn cũng được dùng trong văn phẩm Do Thái sau này, đặc biệt là trong các tác phẩm của các ra-bi Do Thái. Trong các áng văn đó dụ ngôn được dùng để giải thích kinh văn nhiều hơn là dùng với tính cách tiên tri đối chất dân sự. Văn chương dụ ngôn cũng có trong hầu hết các nền văn hóa khác, đặc biệt được dùng để giáo huấn về sự khôn ngoan.
Vậy, dụ ngôn là gì? Từ “dụ ngôn” trong cả hai tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp bao gồm từ những câu tục ngữ đơn giản cho đến những câu chuyện dài như chuyện Giê-su nói về người con trai hoang đàng (Lu-ca 15:11–32). Dụ ngôn là một hình thức giao tiếp gián tiếp, nó khiến bạn nhìn theo một hướng này (một người gieo hạt giống ở cánh đồng) nhưng chủ ý là để khiến bạn có thể nắm bắt được ý nghĩa ở một hướng khác (sự đáp lời kêu gọi của Đức Chúa Trời). Một câu chuyện dụ ngôn hoạt động như một sự so sánh nhằm mục đích hướng dẫn bạn ra khỏi tầm nhìn của thực trạng để làm cho bạn có thể nhìn thấy những gì giống như một thực trạng (thực trạng tương tự). Chẳng hạn, nhà tiên tri Na-than kể cho Đa-vít nghe chuyện người đàn ông giàu có đã giết chú cừu yêu quý của một người đàn ông nghèo. Đa-vít nổi giận vì sự bất công của câu chuyện (thực trạng), cho đến khi ông ta nhận ra rằng câu chuyện này (thực trạng của câu chuyện) giống như chuyện ông ta đã giết U-ri-a, chồng của Bathsheba (thực trạng tương tự), mới gần đây (2 Sa-mu-ên 12:1–7).
Các dụ ngôn của Giê-su đa số ngắn gọn và cân xứng. Các câu chuyện này thông thường không cung cấp những thông tin không cần thiết như động cơ hành động. Những câu chuyện này khá đa dạng về hình thức, chiều dài và chức năng. Lồng trong câu chuyện là những vụ việc bình thường trong cuộc sống hàng ngày của người Palestine cổ đại như gia đình, quan hệ chủ và tớ, và công nhân. Những câu chuyện dụ ngôn dùng các vụ việc xảy ra hàng ngày, nhưng chủ ý không nói về sự việc xảy ra hàng ngày. Dụ ngôn có tính chất giả tưởng hơn thực tế và thường mang tính chất phóng đại hoặc bất ngờ. Đôi khi, câu chuyện đảo ngược vai trò của nhân vật trong chuyện, chẳng hạn như người thu thuế được thừa nhận là người công chính chứ không phải người Pha-ri-si (Lu-ca 18: 9-14).
Chúng ta phải hiểu dụ ngôn như thế nào? Các dụ ngôn của Giê-su thường hay bị bóp méo vì không được giải thích theo bối cảnh thế kỷ thứ nhất của câu chuyện. Trong phần lớn lịch sử hội thánh, các yếu tố trong một dụ ngôn từng được gán cho một số ý nghĩa thần học không liên quan gì đến ý định ban đầu của Giê-su. Không chấp nhận cách tiếp cận này, các nhà giải kinh khác đề xuất rằng mỗi câu chuyện ngụ ngôn chỉ trình bày một quan điểm. Trong thực tế, cả hai cách tiếp cận diễn giải này không làm sáng tõ ý nghĩa của các dụ ngôn của Giê-su. Hai vấn đề chính trong việc tìm hiểu ý nghĩa của một câu chuyện ngụ ngôn là: 1) tại sao và làm thế nào dụ ngôn tác động một cách hiệu quả trong việc giáo huấn của Giê-su trong thế kỷ thứ nhất, và về cuộc đối đầu của Ngài với các nhóm khác nhau, và 2) Giê-su dự định nói những gì với những thính giả đầu tiên của Ngài.
Các tác giả Tin Lành đã sắp xếp các dụ ngôn theo chủ đề (vương quốc, Y-sơ-ra-ên, sự phán xét trong tương lai, tiền bạc, cầu nguyện, v.v.). Đa số các dụ ngôn nằm trong Ma-thi-ơ 13, 18, 20–22, 24–25; Mác 4, 12; Lu-ca 7–8, 10–20. Các dụ ngôn của Giê-su chỉ được tìm thấy trong các Tin Lành Cộng Quan; Tin Lành Giăng không có ghi lại một câu chuyện dụ ngôn nào, mặc dù sách này cho thấy Giê-su sử dụng các phương cách so sánh (phù hợp với từ “dụ ngôn” theo ý nghĩa nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của nó). Một vài sách phúc âm khải thị, đặc biệt là sách Tin Lành Tô-ma, cũng có ghi lại các dụ ngôn tương tự song song với các dụ ngôn trong Tin Lành Cộng Quan.